Dọc bờ Bắc sông Cổ Chiên tỉnh Vĩnh Long, các lò gạch gốm chen chúc hàng chục kilomet, trông xa như một thành phố cổ với những lâu đài rực đỏ dưới ánh mặt trời.
Dòng Cửu Long đỏ nặng phù sa đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, không chỉ bồi đắp cho những đồng lúa bạt ngàn, những khu vườn bốn mùa hoa trái, mà còn hình thành cho nơi đây những mỏ đất sét vô cùng quý giá. Từ cầu Mỹ Thuận, nơi con sông Cổ Chiên tách dòng khỏi sông Tiền, qua cầu Thiềng Đức đi dọc theo tỉnh lộ 31 đến thành phố Vĩnh Long, trải dài gần 30 kilomet thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít đã có hơn 1.000 lò gạch, lò gốm. Bởi thế mà nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc đỏ”.
Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, từ những mỏ đất sét đỏ đặc trưng nơi đây người dân đã sản xuất gốm gia dụng và sau này làm luôn cả gốm mỹ thuật.
Khởi đầu làng gạch:
Lúc bấy giờ nghề còn thịnh, mỗi nhà có đến hai ba miệng lò. Đến mùa nung các cột khói trắng ngút trời, tạo ra vô vàn sản phẩm tỏa đi khắp nơi, mang đến cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây. Qua bao thế hệ họ đã đúc kết thành kỹ thuật nung điêu luyện chỉ bằng lò gạch, nhiên liệu là trấu (vỏ hạt lúa). Các sản phẩm ban đầu là các loại gạch nung, ngói…
Làng gốm tiếp bước:
Tuy hình thành muộn nhưng làng gốm đã tiếp bước thành công làng gạch xưa kia. Để tạo nên danh tiếng và đặc trưng riêng là nhờ dòng gốm đỏ không men. Gốm Vĩnh Long có màu đỏ tự nhiên, sau khi nung ửng còn có lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài độc đáo. Gốm chắc, bền, màu sắc bắt mắt, dần được thị trường nội địa ưa chuộng, và thu hút sự quan tâm của cả thị trường quốc tế, mở đường cho xuất khẩu.
Đến thăm làng gốm, xa xa đã thấy những làn khói bốc lên. Dọc tỉnh lộ, xe tải đủ loại nằm chờ hàng, công nhân thì tất bật khuân vác. Trong xưởng, thợ in, xu, chà cần mẫn làm việc. Vài nghệ nhân ngồi đăm chiêu “vọc đất”, tìm ý tưởng cho mẫu gốm mới: một nét phá cách, một tác phẩm trừu tượng, hay một thôn nữ miệt sông nước…
Do các lò gốm nằm cạnh bờ sông nên việc vận chuyển đất sét thường bằng ghe thuyền, một loại phương tiện rất phổ biến ở vùng sông nước Vĩnh Long. Tùy theo mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật riêng.
Công đoạn pha đất rất quan trọng bởi nó quyết định đến sự thành công của mẻ gốm. Đất pha xong phải nhào nặn nhiều lần cho thật mịn tới mức chạm tay vào không dính thì mới đạt.
Gốm Cổ Chiên không làm theo phương pháp nặn như cách làm gốm thông thường, mà đúc theo khuôn làm sẵn. Để đúc được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ gốm phải trải qua mấy công đoạn cơ bản. Nhìn những người thợ thao tác điêu luyện để cho ra đời những sản phẩm độc đáo mới cảm nhận được giá trị của các sản phẩm qua quá trình lao động, sáng tạo của những nghệ nhân, công nhân làng nghề gốm ở đây…
Đầu tiên là tạo khuôn bằng thạch cao, sau đó đến công đoạn “in”, tức cắt từng tảng đất sét có độ dày nhất định rồi đem ép vào khuôn. Mỗi phần của sản phẩm được “in” bằng những khuôn riêng, sau đó mới ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Tiếp đến là công đoạn “xu”, tức chỉnh sửa và làm bóng sản phẩm bằng cách dùng một miếng bọt biển nhúng nước rồi vuốt nhẹ.
Sản phẩm sau khi được chỉnh sửa xong sẽ đem nung 7 ngày 7 đêm. Quyết định sự thành bại của mẻ gốm là kỹ thuật nung. Người thợ lửa thường có rất nhiều năm kinh nghiệm. Sắp lò cũng là kỹ thuật, người thợ sắp lò biết chỗ nào “lửa áp”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào lửa ổn định mà sắp xếp từng loại sản phẩm có kích cở khác nhau.
Gốm được nung đốt trong lò 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, hun hơi nóng làm khô sản phẩm mộc, với nhiệt độ từ 100 – 200 độ C. Ngày thứ năm tăng lửa, ngày thứ sáu “siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 900 độ C. Sản phẩm mộc sẽ kết khối khi đã được nung đến nhiệt độ cần thiết, người thợ lửa sẽ ngưng đốt, trám kín lò bằng đất sét và để cho lò nguội dần cho đến lúc mở lò, tuyển chọn sản phẩm.
Hiện nay, ngoài các sản phẩm dân dụng như chum, vại, nồi, niêu,… các doanh nghiệp gốm ở Cổ Chiên còn sản xuất nhiều dòng gốm nghệ thuật như tranh, tượng, phù điêu, chậu hoa, đôn, lọ cắm hoa…
Gốm mỹ thuật của Cổ Chiên có giá thành khá cao nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi vẻ đẹp tinh tế và sắc đỏ độc đáo riêng có của nó. Ngoài thị trường trong nước, gốm Cổ Chiên cũng đã có mặt tại nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ngoài ra, làng gốm Cổ Chiên còn có công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, những bức phù điêu, tường, cho đến cả những vật dụng bên trong như bàn ghế, đi-văng (giường divan),… đều làm hoàn toàn bằng gốm. Từng cấu kiện được nung riêng, chuyển đổi màu để nhấn mạnh nét đậm, nhạt theo ý muốn, sau đó mới lắp ráp lại khi xây dựng. Nhờ vậy, nhà gốm tưởng như dễ vỡ nhưng lại vững chắc và sắc màu hòa quyện. Đến đây sẽ được chiêm ngưỡng sự tài hoa, công phu, tỉ mỉ của những người thợ gốm.
Lời kết:
Người dân xứ này hiếu khách, do đó đến đây tham quan không cần hẹn trước, đi ngang qua lò gốm nào thấy sinh hoạt náo nhiệt thì cứ ghé lại thăm. Tại đây, có thể xem từng công đoạn để làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ, từ nặn tượng, đổ khuôn cho đến khi đưa vào lò nung… thấy thích sản phẩm nào thì có thể mua về làm quà hoặc để trang trí trong nhà.
Giờ đây, các lò nung bằng trấu như xưa dần được thay thế bằng các lò công nghệ cao như lò gas, sản phẩm thì được sấy bằng điện.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp gốm ở Cổ Chiên đã bắt đầu chú ý đầu tư cải tiến kỹ thuật, đổi mới kiểu dáng, mở rộng cơ sở sản xuất theo hướng công nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường… Nhờ đó, mỗi năm, gốm Cổ Chiên không chỉ thu được một nguồn lợi lớn, mà còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương theo hướng bền vững và lâu dài.
Nguồn tin: Tổng hợp